Sáu tỷ phú đô la Mỹ đến Việt Nam bày cách khởi nghiệp sáng tạo

Việt Nam cần có thêm nhiều người đến Thung lũng Silicon làm việc để tích lũy kỹ năng, công nghệ, cách vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng Việt Nam cần xây dựng văn hóa khởi nghiệp thông qua giáo dục và đầu tư vào nguồn vốn con người. Cần cải tổ hệ thống giáo dục từ cấp bậc mầm non tới đại học; giáo dục trẻ em tư duy phê phán, dạy cho học sinh biết cách giải quyết vấn đề thay vì thụ động thu nạp kiến thức.

Bên cạnh đó cần có nhiều người Việt Nam hơn nữa tham gia làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ), bởi đây là môi trường lý tưởng để ươm tạo, phát triển công nghệ và doanh nghiệp. Khi làm việc tại đây, họ không chỉ tích lũy được kiến thức, kỹ năng, công nghệ mà còn học hỏi cách vận hành, quản lý một doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây cũng là xu hướng được nhiều quốc gia đang phát triển thực hiện. 
Hai anh em nhà tỉ phú Cameron Winklevoss và Tyler Winklevoss cho rằng, dù phát triển lĩnh vực công nghệ gì cũng cần có khung pháp lý rõ ràng. Nếu không có, chắc chắn các doanh nghiệp khởi nghiệp không hoạt động được. 
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, với Việt Nam, dù xuất phát điểm thấp nhưng có tiềm năng và cơ hội lớn để cộng đồng khởi nghiệp bứt phá. Minh chứng là Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng số và kinh tế số.
Hiện môi trường thể chế và kinh doanh đã cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển công nghệ mới. 
Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 đã khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua các định chế của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động đầu tư mạo hiểm cũng thuận lợi hơn.
Đến nay cả nước có trên 40 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, hơn 50 khu không gian làm việc chung, 40 vườm ươm và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới tăng nhanh (năm 2015, Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, năm 2017 tăng hơn 3.000).
Đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng khởi nghiệp công nghệ, các diễn giả đều cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về nguồn nhân lực công nghệ cao và có môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp. Thị trường công nghệ châu Á, trong đó có Việt Nam, hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển bởi nguồn nhân lực có tri thức và tố chất thông minh, chăm chỉ.